Ở Việt Nam, Ninh Thuận được mệnh danh là xứ sở của nho, nếu bạn lần đầu tiên thấy những giàn nho đang mùa thu hoạch chắc chắn bạn sẽ phải reo lên vì thích thú khi chứng kiến những chùm nho lủng lẳng trên giàn.
1. Ninh Thuận vùng đất của nho.
Ninh Thuận là một tỉnh ở cực Nam Trung Bộ, vùng khô hạn nhất nước, khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh và không có mùa đông. Có thể nói khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Ninh Thuận có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 11- 4, có độ ẩm cao (đây là mùa thích hợp trồng nho vụ chính) và mùa mưa từ tháng 5 - 10. . Cây nho được du nhập vào Ninh Thuận từ những năm 1960 và được sản xuất thành hàng hóa vào những năm 1980. Nơi đây đã hình thành một vùng nho điển hình và tập trung lớn nhất cả nước. Theo chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận, dự kiến đến năm 2015, diện tích cây nho toàn tỉnh đạt 3.200 ha, trong đó 1.000-1.500 ha trồng giống mới, với tổng sản lượng hơn 60.000 tấn. Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cũng đang vào cuộc hỗ trợ nhà vườn ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nho an toàn. Mục tiêu ngày càng khẳng định thương hiệu Nho Ninh Thuận trên thị trường trong nước. Nho ninh thuận nổi tiếng với vị ngọt thanh khiết và giá cả hợp với xu hướng người tiêu dùng. Nho Ninh Thuận được nhiều người ưa chuộng như vậy là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại nho khác.
Đặc trưng của nho Ninh thuận là vỏ dày, vị rôn rốt (hơi chua) và có hạt. (Nếu ăn nho không có hạt, vỏ bóng, mọng, ngọt “sắt” có thể đó là nho Trung Quốc).
Nho Ninh Thuận có rất nhiều loại khách nhau, trong đó có hai giống nho ăn tươi chính là nho đỏ và nho xanh.
Nho đỏ Ninh thuận có dạng hình cầu, vỏ quả bóng, rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ. Trọng lượng quả từ 4,57 - 5,92g/quả, dài từ 18,23 - 21,21mm, rộng từ 17,27 - 19,44mm, trọng lượng chùm từ 166,84 - 254,13g/chùm.
Nho xanh có dạng hình Oval, vỏ quả có màu xanh vàng nhạt, thịt quả trong, hơi mềm, có vị ngọt đậm đà, chua rất nhẹ, ít chát. Trọng lượng quả từ 5,53 - 6,91g/quả, dài từ 21,64 - 27,21, rộng từ 16,22 - 19,4mm, trọng lượng chùm từ 206,86 - 400,85g/chùm. Ngoài ra, hiện nay Ninh Thuận cũng đang tập trung phát triển nhiều giống nho nhập ngoại khác, trong đó có giống nho đen nhập từ Thái Lan, Black Queen. Đây là một giống nho nổi trội được nhiều địa phương đang thử nghiệm, với những ưu điểm như chống chịu sâu bệnh tốt, chùm to, trái lớn, năng suất đạt khoảng 16,4 tấn/năm.
2. Giá trị dinh dưỡng và công dụng từ trái nho.
Từ lâu nho đã được chứng minh là một loại quả chứa nhiều chất bổ có lợi cho sức khỏe như: Tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, tốt cho tim mạch, có tác dụng thải độc tố... Trái nho chứa khoảng 65 - 85% nước, 10 - 33% đường (glucose và fructose), phlobaphene, axit galic, axit silicic, quercetine, anin, glucosides, mono delphinidin và delphinidin, axit hoa quả, axit phosphoric, salicilic, axit chanh, axit formic, axit oxalic, pectin, hợp chất tanin, muối kali, magiê, canxi, mangan, coban, sắt và vitamin B1, B2, B6, B12, A, C, P, PP, K, axit folic và các enzime.
Thịt quả nho.
Cứ 100g thịt quả nho sẽ cho 71 calo, 10 - 12g đường dễ hấp thụ, 11mg vitamin C (18% nhu cầu hàng ngày). Nếu chỉ nhằm cung cấp sinh tố C từ nho thì mỗi ngày phải ăn khoảng 500g.
Thịt quả nho ăn dễ tiêu, giải khát, thông tiểu và lợi mật. Trong quả nho có chứa polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào và các nguyên sinh chất trong cơ thể, chống lại sự hình thành các gốc tự do.
Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, làm giảm nếp nhăn, tăng sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các loại virus. Ngoài ra trong quả nho còn chứa nhiều đường gluco và fructose dễ hấp thụ, các vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Hạt nho.
Trong lớp vỏ mỏng của hạt nho, người ta tìm thấy các chất resveratrol có cấu trúc hóa học tương đồng với hormone estrogen ở người. Chúng có tác dụng làm giảm cholesterol, bảo vệ thành mạch máu trong cơ thể.
Hạt nho còn được ép lấy dầu, chứa nhiều axít linoleic, có tác dụng giảm chứng bất lực ở nam giới và hạn chế nguy cơ về bệnh tim mạch nếu dùng hàng ngày. Dầu này còn có khả năng giảm kết vón tiểu cầu (gây máu đông cục, làm tắc nghẽn thành mạch).
Ngoài ra, nó còn có tác dụng phòng chống chứng tăng huyết áp (do ăn nhiều muối), hàn gắn vết thương do tiểu đường và béo phì gây ra.
Vỏ trái nho.
Trong vỏ quả nho chứa nhiều chất có khả năng kháng khuẩn. Qua phương pháp đồng vị phóng xạ, người ta thấy chất này không bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa nên có thể tuần hoàn khắp cơ thể và cho tác dụng toàn thân rất tốt.
Vỏ nho chứa nhiều resveratrol hơn trong thịt quả nho. Chất này có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 7 lần vitamin E. Vì vậy khi ăn nho ta nên ăn cả vỏ. Tất nhiên trước khi ăn, nho cần được ngâm rửa kỹ.
Nguồn tin: fruitvietnam.com