Cây chuối nói chung, chuối tiêu hồng nói riêng rất sợ úng và mẫn cảm với các bệnh do virus gây hại.
Tiêu chuẩn chọn Cây giống
- Giống cây nuôi cấy mô: Là giống được nhân trong phòng thí nghiệm đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quy định là sạch bệnh, độ đồng đều cao, nhân nhanh với số lượng lớn.
- Giống được tách từ cây mẹ: Cây có chiều cao từ 70 cm - 1,2 m, thân thẳng, sạch sâu bệnh và đã được xử lý kỹ thuật.
Chuối tiêu hồng - cây ăn quả số 1 cho bà con
Chuẩn bị đất trồng chuối tiêu hồng
- Chuối tiêu hồng thích hợp với nhiều loại đất, tốt nhất nhất trên đất phù sa, có tầng đất mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt, độ pH trong đất khoảng 5 - 7.
- Đào hố: Kích thước 40 x 40 x 40 cm, khoảng cách giữa các hố 2 - 2,5 m.
Bón phân
- Bón lót (tính cho 1 hố): Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) 10 - 15 kg, phân lân Supe 0,3 - 0,5 kg, vôi bột 0,3 - 0,5 kg.
- Bón thúc: 1 kg đạm urê + 1 kg kali.
+ Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 1 - 1,5 tháng, kết hợp với làm cỏ, xới xáo quanh gốc. Bón 0,5 kg đạm urê + 0,3 kg kali, cách gốc 30 - 40 cm.
+ Bón thúc lần 2 sau lần 1 từ 1,5 - 2 tháng. Bón 0,2 kg đạm urê + 0,3 kg kali, cách gốc 1m.
+ Bón thúc lần 3 với lượng đạm và kali còn lại khi cây trổ buồng, bón cách gốc 1,5 - 2 m. Nên đào 4 hốc xung quanh gốc, lấp phân sâu 7 - 10 cm, tiến hành bón khi đất có độ ẩm 70 - 80%.
Kỹ thuật Trồng, chăm sóc chuối tiêu hồng
Sau khi bón lót phân phủ đất, tiến hành xé túi bầu, đặt cây ngay ngắn giữa hố, giữ cho cây đứng thẳng, phủ đất cho kín gốc. Phần xung quanh vùng rễ cây nên lấp bằng đất nhỏ.
Tưới nước từ từ kết hợp với lắc nhẹ cây chuối cho đất trôi theo nước lèn chặt gốc cây và tiếp xúc với rễ. Sau đó, phủ rơm rạ xung quanh hốc, tưới nước giữ ẩm (tránh làm vỡ bầu cây). Khi trồng tránh để cây tiếp xúc với phân lót.
Sau trồng 30 - 45 ngày thì làm cỏ, làm cỏ là việc làm quanh năm trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây. Chuối là cây chịu nóng kém, nhưng lại cần rất nhiều nước. Vì vậy, cần phải thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây.
Thiếu nước lá sẽ ra chậm và trổ buồng chậm, buồng nhỏ năng suất kém. Có thể tăng hiệu quả sử dụng nước tưới bằng cách che tủ rơm rạ, phủ bạt nilon hoặc tưới nhỏ giọt bằng thiết bị chuyên biệt.
Đánh tỉa chồi, cắt tỉa lá
- 1 cây chuối tiêu hồng có thể sản sinh 5 - 10 chồi bên. Thông thường chỉ để 1 - 2 chồi cho vụ sau. Các chồi khác phải bỏ đi để tránh cạnh tranh về dinh dưỡng. Đánh tỉa chồi là kỹ thuật lựa chọn những chồi khỏe mạnh nhất, ở những vị trí thích hợp nhất.
Phương pháp chung đánh tỉa chồi là dùng dao cắt ngang hoặc dưới mặt đất. Làm như vậy chồi sẽ mọc lại và lại tiếp tục cắt.
Muốn cho chồi không mọc lại nữa cần phải áp dụng các biện pháp: Khoét bỏ đỉnh sinh trưởng hoặc tách chồi khỏi cây mẹ.
Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch formaldehit 10% trong 10 giây hoặc 5% trong 30 giây.
- Những lá già và lá bị bệnh sẽ bị chết và treo trên cây. Đây là nơi cư trú của nhiều loài sâu bệnh hại. Cần cắt bỏ những lá này bằng dao sắc, thường là cùng lúc với đánh tỉa chồi.
Như vậy sẽ làm giảm các bệnh về đốm lá và sâu bệnh khác. Đồng thời làm tăng khả năng sinh trưởng của chồi bên.
Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh và đặt giữa các hàng chuối.
Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh. Dụng cụ cắt tỉa lá cũng cần được xử lý giống như dụng cụ đánh tỉa chồi.
Ngắt hoa đực và bao buồng chuối tiêu hồng
- Hoa đực hay còn gọi là bắp chuối, thường được cắt bỏ ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải quả cuối cùng và đồng thời với bao buồng quả.
Ngắt bỏ hoa đực có xu hướng làm tăng kích thước của những nải phía dưới và khối lượng buồng quả. Có thể bẻ hoa đực bằng tay nhưng tốt nhất là dùng dao sắc và cũng cần được xử lý giống như đối với cắt tỉa lá và đánh tỉa chồi.
- Buồng chuối thường được bao bởi túi nilon. Loại túi bao buồng này có công dụng giữ cho quả khỏi bị sâu bệnh gây hại và thúc đẩy quả phát triển, nhất là trong điều kiện lạnh.
Bao buồng quả thường làm tăng kích thước quả và rút ngắn thời gian từ ra buồng đến thu hoạch.
Buồng chuối cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên. Buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới, trông giống như ống tay áo. Loại túi bao phổ biến nhất hiện nay màu xanh, có đục lỗ.
Thu hoạch
Tùy thuộc vào khoảng cách cần vận chuyển, chuối có thể thu hoạch ở những độ chín khác nhau. Để tiêu thụ ở chợ địa phương, chỉ cần thu trước khi chín vài ngày. Để vận chuyển xa phải thu hoạch sớm hơn.
Tuy nhiên, để giữ được vị ngọt tự nhiên, cần thiết phải thu hoạch chuối ở giai đoạn chín. Thu hoạch chuối làm nguyên liệu chế biến thường sớm hơn so với để ăn tươi.
Độ chín có thể xác định bởi màu sắc hoặc độ đẫy quả. Tiêu thụ tại chỗ, nên thu hoạch khi quả đạt độ tròn căng và màu quả chuyển từ xanh sang hanh vàng. Tiêu thụ xa cần thu sớm hơn khi quả vẫn còn xanh và chưa tròn đầy.
Độ chín cũng có thể xác định theo thời gian trỗ buồng. Tùy mùa vụ, khoảng thời gian từ trỗ buồng đến thu hoạch dao động trong khoảng 3 - 4 tháng.
- Dùng cho xuất khẩu tươi: Độ chín từ 75 - 80% biểu hiện của quả hơi tròn cạnh, vỏ màu xanh nhạt, ruột trắng ngà.
- Dùng để tiêu thụ trong nước hoặc chế biến: Độ chín 90%, vỏ quả màu xanh vàng, quả tròn cạnh, ruột màu vàng. Khi buồng chuối có quả nứt là chuối đã già, nên thu hoặch ngay, để lâu sẽ có nhiều quả nứt và quả nứt dễ thối.